Thứ Ba, 10 tháng 1, 2012

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự Lễ công bố Nghị quyết thành lập Hội đồng khoa học của UBTVQH nhiệm kỳ 2011 – 2016


Chiều 3.1, tại trụ sở VPQH, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã dự Lễ công bố Nghị quyết thành lập Hội đồng khoa học của UBTVQH nhiệm kỳ 2011 – 2016.
    Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và các thành viên Hội đồng khoa học của UBTVQH nhiệm kỳ 2011 - 2016
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và các thành viên Hội đồng khoa học của UBTVQH nhiệm kỳ 2011 - 2016
Cùng dự có Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý; Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Đào Trọng Thi; Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng; Ủy viên UBTVQH, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của UBTVQH.
Phát biểu tại Lễ công bố, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, việc thành lập Hội đồng khoa học có ý nghĩa rất quan trọng đối với UBTVQH; tin tưởng Hội đồng khoa học sẽ phát huy vai trò là cơ quan tư vấn của UBTVQH, quyết định tiến trình nghiên cứu khoa học, tham mưu giúp Quốc hội đưa ra quyết định với những vấn đề quan trọng của đất nước. Hội đồng khoa học sẽ giúp UBTVQH triển khai công tác nghiên cứu các đề tài một cách khoa học. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, qua mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ phát triển đất nước thì nhiệm vụ của Quốc hội có sự thay đổi, nhất là trong bối cảnh tình hình mới hiện nay. Hội đồng khoa học của UBTVQH cần bám sát hơn nữa vào chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, từ đó đề xuất chiến lược lâu dài, xác định chương trình gắn với các đề tài nghiên cứu để giải quyết những vấn đề trong trung hạn, dài hạn của Quốc hội, của UBTVQH.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, Hội đồng khoa học của UBTVQH nhiệm kỳ 2011 – 2016 cần quan tâm tới việc nghiên cứu hệ thống khoa học của các nước trên thế giới, từ đó, có những tiếp cận một cách khoa học để giải quyết các vấn đề của đất nước. Hội đồng khoa học phải chọn đúng vấn đề, nội dung, đề tài để triển khai, bảo đảm đi đầu trong công tác khoa học, nghiên cứu khoa học, bảo đảm tính thiết thực, phục vụ trực tiếp cho các hoạt động của Quốc hội, của UBTVQH… Chủ tịch Quốc hội mong muốn, Hội đồng khoa học sẽ phát huy, sử dụng có hiệu quả nhất trí tuệ của các thành viên, trở thành cơ quan thu hút, tạo động lực để các chuyên gia tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tin tưởng, Hội đồng khoa học sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong nhiệm kỳ của mình.
Theo Nghị quyết số 425 của UBTVQH Khóa XIII, Hội đồng Khoa học của UBTVQH nhiệm kỳ 2011 – 2016 gồm 19 thành viên do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm Chủ tịch.
Nghị quyết quy định, Hội đồng khoa học có nhiệm vụ giúp UBTVQH chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động nghiên cứu khoa học trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của UBTVQH và VPQH trong việc chỉ đạo xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học, xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ và quyết định về mục tiêu, nội dung các chương trình, đề tài, dự án khoa học và công nghệ, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học.
Lâm Hiển

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: Tình hình kinh tế – xã hội Lai Châu có bước phát triển khá và toàn diện


Ngày 22.12, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã thăm và làm việc tại Lai Châu về tình hình triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế năm 2011 và việc triển khai kế hoạch phát triển KT-XH năm 2012.
Cùng đi có Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVNQH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’ Sor Phước; Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVNQH, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng.
    Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tặng Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh bức tranh lưu niệm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tặng Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh bức tranh lưu niệm.
Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã nghe báo cáo về tình hình KT-XH tỉnh Lai Châu năm 2011 và kế hoạch năm 2012. Theo báo cáo, năm 2011 tỉnh có tốc độ tăng trưởng đạt 14,2%, cơ cấu GDP theo ngành kinh tế nông lâm nghiệp – công nghiệp xây dựng – dịch vụ là 30,2% – 36,5% – 33,3%. GDP bình quân đầu người ước đạt 10,6 triệu đồng/người/năm. Tổng huy động vốn đầu tư phát triển nhà nước năm 2011 đạt 2.359 tỷ đồng, giải ngân đạt 1.462 tỷ đồng, bằng 62% kế hoạch đặt ra. Về văn hóa xã hội, quy mô trường lớp tiếp tục phát triển; hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được thực hiện thường xuyên; tỉnh đã đào tạo nghề cho 5.602 lao động, giải quyết việc làm cho khoảng 5.500 lao động; thực hiện xóa đói giảm nghèo theo quyết định 167 và 30a của Chính phủ; triển khai trợ cấp khó khăn đột xuất cho các đối tượng thuộc quyết định 471 của Chính phủ với số tiền 13.216 triệu đồng. Năm 2012, Lai Châu đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 15 -16%, cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp, thủy sản – công nghiệp, xây dựng – dịch vụ lần lượt là 28,4% – 3,76% – 34%, GDP bình quân đầu người đạt 13 triệu đồng. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách dân tộc, bảo tồn phát huy bản sắc dân tộc; đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo; hoàn thành quy hoạch nông thôn mới; bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng an ninh, ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh.
Phó chủ tịch Uông Chu Lưu cho rằng, sau 8 năm chia tách tỉnh, Lai Châu đã đạt được nhiều thành tích trên mọi mặt KT-XH; tốc độ tăng trưởng khá, thu chi ngân sách trên địa bàn đạt 350 tỷ; chuyển dịch kinh tế đúng hướng; tỷ lệ hộ nghèo trong năm 2011 còn 41,5%. Phó chủ tịch Quốc hội lưu ý: Lai Châu là một trong những địa phương đang triển khai nhiều dự án lớn, quan trọng, nhất là dự án thủy điện Lai Châu nên cần thực hiện tốt quy hoạch, tái định cư cho dân cư, có giải pháp ổn định đời sống người dân sau quy hoạch; kiểm tra số hộ dân được hỗ trợ tái định cư để báo cáo Quốc hội và Chính phủ xem xét có kinh phí hỗ trợ phù hợp, bảo đảm đủ và kịp thời nhu cầu trước mắt của người dân, đồng thời bảo đảm đúng tiến độ dự án thủy điện Lai Châu. Đối với các chương trình dự án mà tỉnh đề ra, Lai Châu nên tập trung vào những chương trình dự án thật sự cấp bách, ưu tiên cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân, y tế, giáo dục.
Hoàng Ngọc

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thăm, làm việc tại Thủy điện Lai Châu


Sáng nay (21/12), đồng chí Uông Chu Lưu – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội cùng đoàn công tác đã đến thăm, làm việc tại Thủy điện Lai Châu.
Tiếp và làm việc với Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cùng Đoàn công tác về phía tỉnh ta có các đồng chí: Tô Như Sơn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Giàng Páo Mỷ – Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Trọng Quảng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh, huyện Mường Tè và Ban QLDA Thủy điện Sơn La.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Ban QLDA Thủy điện Sơn La báo cáo với Đoàn công tác về tình hình thực hiện Dự án Thủy điện Lai Châu. Đến nay, việc thi công các hạng mục của công trình nhà máy Thuỷ điện Lai Châu như: hệ thống kênh cống dẫn dòng giai đoạn I; đường dây 110KV Tuần Giáo – Thủy điện Lai Châu, Trạm Biến áp 110KV Thủy điện Lai Châu, hệ thống đường giao thông trong công trường, cầu qua sông Đà, hệ thống cấp điện, cấp nước đã hoàn thành… Hiện, các đơn vị thi công đã và đang tập trung nhân lực, máy móc đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục lớn như: tuyến đường ngoài công trường và cầu Lai Hà (đã hoàn thành 31/32km và dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 12), xây dựng các công trình công cộng, trạm xá, trường tiểu học, mầm non, chợ, bến xe….
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cùng Đoàn công tác thăm hỏi cán bộ, công nhân thi công công trình Thủy điện Lai Châu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cùng Đoàn công tác thăm hỏi cán bộ, công nhân thi công công trình Thủy điện Lai Châu.
Để hoàn thành các hạng mục đảm bảo mục tiêu ngăn sông Đà vào cuối tháng 3/2012, hiện nay, các đơn vị đang tập trung lực lượng khoan phun bêtông chống thấm đê quây giai đoạn I, bơm tiêu nước hố móng công trình kênh, cống dẫn dòng và đổ bêtông đáy móng, tường phân dòng hệ thống kênh, cống dẫn dòng;  công tác san gạt mặt bằng của công trường cơ bản hoàn thành và bàn giao cho các nhà thầu xây dựng các hạng mục công trình. Phấn đấu trong quý I/2012 tổ chức xong việc cắm mốc ranh giới lòng hồ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cùng Đoàn công tác thăm đồi cây cao su xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cùng Đoàn công tác thăm đồi cây cao su xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ.
Trong buổi làm việc, đại diện lãnh đạo tỉnh, huyện Mường Tè đã báo cáo khái quát về tình hình thực hiện công tác bồi thường di dân Thủy điện Lai Châu năm 2011. Huyện đã hoàn thành di chuyển và ổn định 49 hộ dân trong phạm vi mặt bằng công trường nhà máy Thủy điện Lai Châu. Đồng thời, huyện cũng thống kê xong tổng số hộ phải di chuyển ra khỏi khu vực lòng hồ. Dự kiến đến hết quý III/2012 sẽ hoàn thành di chuyển các hộ dân lên 2 khu tái định cư Mường Tè và Nậm Khao, các khu còn lại dự kiến năm 2014 sẽ hoàn thành di chuyển.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cùng Đoàn công tác làm việc với lãnh đạo Ban QLDA Thủy điện Sơn La.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cùng Đoàn công tác làm việc với lãnh đạo Ban QLDA Thủy điện Sơn La.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Uông Chu Lưu nhấn mạnh: Thủy điện Lai Châu là công trình trọng điểm của quốc gia, không chỉ cung cấp điện mà còn cung cấp nước cho đồng bằng Sông Hồng; làm thay đổi cả một vùng tiểu khí hậu… Để đảm bảo tiến độ đề ra, các đơn vị thi công phải đảm bảo quy trình, kỹ thuật, bảo đảm an toàn trong lao động. Công tác hỗ trợ bồi thường, di dân tái định cư phải thực hiện đúng quy trình, đảm bảo cuộc sống cho người dân khi đến nơi ở mới.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tặng quà cho thân nhân 2 gia đình chính sách ở bản Phiêng Pá Kéo, xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tặng quà cho thân nhân 2 gia đình chính sách ở bản Phiêng Pá Kéo, xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè
Phó Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng, với tiến độ thi công như hiện nay thì công trình sẽ sớm đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả. Đồng chí yêu cầu các đơn vị thi công tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện nghiêm công tác đảm bảo an toàn lao động, phòng chống các tai, tệ nạn xã hội trong quá trình thi công và phải đặc biệt chú trọng đến chất lượng, hiệu quả, tiến độ của công trình.
Cũng trong chuyến công tác, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cùng Đoàn công tác đã đến thăm, tặng quà nhân dân và 2 gia đình chính sách ở bản Phiêng Pa Kéo (xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè); thăm đồi cây cao su tại xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ.
Ngày mai (22/12), Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cùng Đoàn công tác  sẽ có buổi làm việc với tỉnh.
Phương Lan

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thăm và làm việc tại huyện Mường Nhé, Điện Biên


Ngày 20.12, tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại Điện Biên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã thăm và làm việc tại huyện Mường Nhé về tình hình triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế – xã hội năm 2011 và việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2012.
Cùng đi có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thăm huyện Mường Nhé, Điện Biên
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thăm huyện Mường Nhé, Điện Biên
Theo báo cáo của UBND huyện, năm 2011, tổng sản lượng lương thực cây có hạt của huyện đã đạt 20.397 tấn, bình quân lương thực đầu người 340,1kg/năm. Tổng đàn gia súc hiện có 48.836 con, tốc độ phát triển 1,2%; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 8,9 tỷ đồng, trong đó tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 233 tỷ đồng. Số xã có đường ô tô đến trung tâm xã là 16/16 xã. Đời sống nhân dân tiếp tục được bảo đảm; tích cực triển khai thực hiện các chương trình, dự án xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững theo Quyết định 167 và Nghị quyết 30a của Chính phủ. Năm 2012, huyện sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, thâm canh tăng vụ nhằm nâng tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 22, 758 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 370 kg/người/năm. Dự kiến, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 11,1 tỷ đồng, thu ngân sách đạt 7,1 tỷ đồng, bảo đảm kịp thời các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu nhân dân. Song song với phát triển kinh tế, huyện xác định sẽ thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, tỉnh, huyện về công tác an ninh – quốc phòng biên giới, giữ vững ổn định chính trị, phát triển tốt mối quan hệ hữu nghị với các huyện Bắc Lào và huyện Giang Thành, Vân Nam, Trung Quốc.
Huyện Mường Nhé đề xuất, Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư nguồn vốn phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện; ưu tiên phát triển văn hóa – xã hội cho đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa. Tiếp tục có chế độ ưu đãi đối với cán bộ, chiến sỹ đang công tác trên địa bàn huyện.
Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, huyện Mường Nhé đã có nhiều cố gắng trong công tác phát triển kinh tế – xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Mường Nhé là một trong những huyện khó khăn nhất trong 62 huyện khó khăn của cả nước. Phó chủ tịch Quốc hội mong muốn, huyện sẽ nỗ lực hơn nữa trong năm 2012, thực hiện tốt nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế – xã hội đặt ra. Đặc biệt, huyện cần lưu ý tập trung vào đầu tư cơ sở vật chất như trường học, y tế, tiếp tục giảm tỷ lệ hộ nghèo, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng trên địa bàn huyện (huyện có trên 40% trẻ em suy dinh dưỡng). Ở huyện, tỷ lệ người nghiện, người nhiễm HIV còn cao, di dân tự do của đồng bào người H’Mông còn nhiều, gây ảnh hưởng tới tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn huyện. Phó chủ tịch Quốc hội lưu ý, huyện phải chăm lo công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị cho người dân, đặc biệt là đồng bào H’Mông về chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đối với việc sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương chi cho địa phương, huyện nên cân đối lại ngân sách, tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình xóa đói, giảm nghèo; nâng cao thu nhập bình quân cho người dân, để đưa huyện phát triển bền vững. Thực hiện quy hoạch tốt nguồn nhân lực, cân nhắc và đào tạo tại chỗ cho cán bộ là người dân tộc.
Cùng ngày, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã thăm và làm việc tại xã Leng Su Sìn; điểm tái định cư Cà Là Pá; Đồn biên phòng Leng Su Sìn; thăm và tặng quà một số gia đình chính sách của huyện Mường Nhé.
Tin và ảnh: Hoàng Ngọc

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thăm và làm việc tại Điện Biên


Ngày 19.12, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã thăm và làm việc tại Điện Biên về tình hình triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế – xã hội năm 2011 và việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2012.
Cùng đi có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng.
Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại nghĩa trang đồi A1
Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại nghĩa trang đồi A1
Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã nghe báo cáo của UBND tỉnh Điện Biên về tình hình kinh tế – xã hội năm 2011 và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2012. Theo báo cáo, năm 2011, trên cơ sở triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng Bộ tỉnh lần thứ XII, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết số 02 và Nghị quyết số 11 của Chính phủ, tỉnh đã xây dựng các chương trình hành động cụ thể, thực hiện điều hành linh hoạt 8 nhiệm vụ trọng tâm, 10 giải pháp chủ yếu về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đề ra nhiều giải pháp tập trung kiềm chế lạm phát, an sinh xã hội. Theo đó, trên lĩnh vực kinh tế, GDP của Điện Biên ước đạt 2,221 tỷ đồng, tăng 10,19% so với năm 2010; cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng xác định: khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 33,26%, giảm 2,22%; khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 29,51%, tăng 0,31%; khu vực dịch vụ chiếm 37,22% tăng 1,91% so với năm 2010.  Trên lĩnh vực chính trị, xã hội của tỉnh tiếp tục ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo. Hiện toàn tỉnh có 11.375/13.404 hộ nghèo đã làm xong nhà ở, đạt 84,86%, ước tính tỷ lệ hộ nghèo đã giảm 4%, từ 50,01% năm 2010 xuống còn 46,01% năm 2011. Công tác xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách về pháp luật được quan tâm, tổ chức thực hiện có hiệu quả; cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiếp tục được chú trọng và có tiến bộ. Năm 2012, tỉnh dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) trên 11,5%; trong đó: giá trị gia tăng khu vực nông lâm nghiệp tăng 5,12%, giá trị gia tăng khu vực công nghiệp xây dựng tăng 15,36%, giá trị gia tăng khu vực dịch vụ là 12,9%. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại; phấn đấu cơ cấu GDP năm 2012: nông lâm nghiệp, thủy sản: 33,21%, giảm 1,06%; công nghiệp – xây dựng 30,26%, tăng 0,75%; dịch vụ 37,53%, tăng 0,31% (so với năm 2011). Tiếp tục giảm tỷ lệ sinh 0,06%, dân số trung bình 530,3 ngàn người; tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo Chỉ thị số 1729 của Thủ tướng…
Điện Biên đề xuất, Quốc hội, Chính phủ sớm xem xét, cân đối bố trí thêm 4 nguồn vốn hàng năm để tỉnh triển khai thực hiện xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh nói chung và 4 huyện nghèo của tỉnh nói riêng. Đồng thời, xem xét bổ sung nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để tỉnh thanh toán cho các công trình đã có khối lượng hoàn thành nghiệm thu, đủ điều kiện thanh toán và khả năng hoàn thành trong năm 2011, 2012 với số tiền khoảng 1.000 tỷ đồng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, mặc dù năm 2011 là năm có rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Điện Biên đã hoàn thành được các chỉ tiêu cụ thể mà Đảng bộ, chính quyền đặt ra. Thực hiện tốt chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hoàn thành vượt các chỉ tiêu kinh tế đã đặt ra. Tình hình an ninh – quốc phòng được giữ vững, niềm tin của nhân dân vào Đảng, chính quyền ngày càng tăng. Các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo như Chương trình 30a được triển khai trên 4 các huyện nghèo của tỉnh. Năm 2012, thể chế hóa mục tiêu của Đảng, Chính phủ, là tiếp tục cắt giảm mục tiêu chi ngân sách, do vậy, Điện Biên  cũng cần sẵn sàng, định hướng thu chi, tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công – nông nghiệp – dịch vụ. Đối với những kiến nghị của tỉnh như bổ sung thêm nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để thanh toán cho các công trình có khối lượng hoàn thành nghiệm thu, đủ điều kiện thanh toán và khả năng hoàn thành trong năm 2011, 2012 với số tiền khoảng 1.000 tỷ đồng,  Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh cần rà soát lại từng dự án cơ sở hạ tầng cấp bách phải đầu tư thực hiện, để rút gọn dự án không cần thiết, đưa ra chương trình dự án chính thức từ đó Chính phủ, Quốc hội sẽ xem xét. Riêng 4 huyện 30a, thực hiện giảm nghèo bền vững, Quốc hội vẫn có chính sách chung là tăng 2,5 lần vốn đầu tư cho các huyện nghèo trên cả nước. Phó chủ tịch Quốc hộiUông Chu Lưu tin rằng, sẽ đáp ứng đủ nguồn vốn cho địa phương thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo. Song song với nguồn vốn đầu tư từ Trung ương, Phó chủ tịch Quốc hội lưu ý Điện Biên cần phát huy năng lực của địa phương trong việc huy động nguồn vốn, hỗ trợ địa phương để thực hiện chương trình mục tiêu kế hoạch giảm nghèo bền vững, cũng như phát huy tổng lực để hoàn thành thắng lợi dự kiến chương trình kinh tế – xã hội năm 2012.
Trước đó, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và Đoàn công tác đã dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên Phủ.
Hoàng Ngọc

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì Hội thảo sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp 1992


Ngày 10/12, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban thường vụ Quốc hội) đã tổ chức hội thảo” Hiến pháp năm 1992- Những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trong quá trình sửa đổi, bổ sung.”
Tham dự Hội thảo có nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo cùng đại diện nhiều Ban, ngành, tổ chức .
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì Hội thảo
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì Hội thảo
Chủ trì Hội thảo, TS Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Hội thảo cần  tập trung vào một số vấn đề nghiên cứu thực tiễn đặt ra trong quá trình sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp 1992, không nên đi vào tất cả các khía cạnh.Trong đó, tập trung thảo luận vào 3 nội dung chính: Nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước, chế độ kinh tế và các chế định về văn hóa, giáo dục; khoa học, công nghệ.
Liên quan đến tư tưởng xuyên suốt toàn bộ Hiến pháp là “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” được quy định tại điều 2, GS.TS Trần Ngọc Đường (Văn phòng Quốc hội) nhận định: Đây là một quy định nền tảng chỉ rõ nguồn gốc, bản chất và mục đích của quyền lực nhà nước là thống nhất về nhân dân. Tuy nhiên, điều 6 Hiến pháp 1992 quy định “Nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân” lại cho thấy nội dung mâu thuẫn với điều 2 nói trên. Bởi, nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước không chỉ thông qua các cơ quan đại diện mà còn thông qua các cơ quan nhà nước khác như hành pháp, tư pháp và các hình thức thực hiện quyền lực nhà nước một cách trực tiếp như phúc quyết Hiến pháp, trưng cầu ý dân. Vì vậy, theo GS.TS Trần Ngọc Đường, để đảm bảo tính thống nhất của Hiến pháp phải sửa lại điều 6 để quy định đầy đủ hơn các phương thức nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước.
Ở một khía cạnh khác, TS Vũ Hồng Anh (Viện Nghiên cứu lập pháp) nêu quan điểm: Mặc dù Hiến pháp 1992 đã công nhận quyền lực nhà nước gồm 3 quyền: lập pháp, hành pháp, tư pháp, nhưng vị trí, tính chất của các cơ quan nhà nước: Quốc hội, Chính phủ, Tòa án, Viện kiểm sát không thay đổi so với trước khi nguyên tắc này trở thành nguyên tắc hiến định trong tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước. Ngoài Quốc hội được xác định là cơ quan lập pháp, Hiến pháp không xác định rõ cơ quan nào là cơ quan hành pháp, cơ quan nào là cơ quan tư pháp. Từ đó dẫn đến sự không rõ ràng trong phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền hành pháp, tư pháp.
Về vấn đề này, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cho rằng: Đây là khâu yếu trong Hiến pháp 1992 vì không kiểm soát được quyền lực của nhà nước. Theo nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, trong nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước, nên phân công tương đối cân bằng giữa 3 quyền: lập pháp, hành pháp, tư pháp theo tư tưởng Hồ Chí Minh và chính thể dân chủ cộng hòa mà Hiến pháp 1946 đã xác lập.
Bàn về vấn đề sửa đổi chế độ kinh tế trong Hiến pháp 1992, PGS.TS Đặng Văn Thanh (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế – Ngân sách của Quốc hội) cho rằng: Cần bỏ khái niệm và quy định “thành phần kinh tế” trong Hiến pháp. Bởi trên thực tế đã không có sự phân định rạch ròi giữa các thành phần kinh tế trong một đơn vị, một tổ chức hay một không gian cụ thể. Hơn nữa thuật ngữ “thành phần” khá nặng nề và không còn phù hợp trong bối cảnh và môi trường kinh tế mới.
Về thẩm quyền của Nhà nước trong việc điều hành, điều chỉnh nền kinh tế quốc dân, PGS.TS Đặng Văn Thanh cũng kiến nghị cần có chế định xóa bỏ độc quyền nhà nước trong kinh doanh (phân phối điện, xuất khẩu gạo, xăng dầu…) theo hướng thay đổi về nhận thức chuyển dần từ Chính phủ cai trị sang Chính phủ phục vụ.
Thảo luận về chế định văn hóa, giáo dục trong Hiến pháp 1992, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội) đề xuất phương án lược bỏ Chương III- “Văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ”, theo hướng ghép những quy định phù hợp ở chương này với những quy định về chính thể ở Chương I và về quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân ở Chương V. Theo lý giải của GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, phần lớn quy định của Hiến pháp 1992 về văn hóa, giáo dục ở Chương III hoặc không phải là quy phạm pháp luật hoặc quá chi tiết và mơ hồ, vượt ra ngoài khuôn khổ của một đạo luật cơ bản hay một khế ước xã hội điều chỉnh những mối quan hệ cơ bản nhất như các quy định tại điều 30-33; điều 41,42…
Kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: Đây là một công việc lớn, rất hệ trọng, áp lực thời gian và công việc quá nhiều nên việc tổ chức Hội thảo là rất cần thiết. Những nội dung thảo luận tại Hội thảo này đã có một bước tiến xa, thực chất hơn, đi vào những vấn đề cụ thể so với các Hội thảo trước đây.
Khẳng định Hiến pháp là đạo luật cơ bản của nhà nước, là văn kiện chính trị pháp lý thể hiện bản chất dân chủ tiến bộ của một Nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị trong thời gian tới tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp theo tinh thần Cương lĩnh và các văn kiện Đại hội Đảng, cũng như trên cơ sở tổng kết Hiến pháp 1992 và các luật liên quan để phù hợp với tình hình mới.
Thu Hằng

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trao Huân chương Lao động cho Ban Quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội


Sáng 09/12, Nhà hát Lớn Hà Nội đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập và đón bằng xếp hạng di tích quốc gia.
Tới dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khẳng định: Qua nhiều thăng trầm lịch sử, Nhà hát Lớn Hà Nội đã vượt lên chức năng và giá trị tự thân của một công trình văn hoá để mãi mãi trở thành một trong những hình ảnh, biểu tượng quen thuộc, không thể thiếu của Thủ đô Hà Nội, và ngày hôm nay, cùng với không gian Quảng trường Cách mạng Tháng Tám được chính thức công nhận là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Ban Quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Ban Quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội.
Với những giá trị đặc biệt, Nhà hát Lớn Hà Nội là chứng tích thiêng liêng, ghi dấu và lưu truyền những sự kiện lịch sử cách mạng quan trọng bậc nhất của quốc gia cũng như của Thủ đô; kiến trúc độc đáo có một không hai cùng những giá trị kiệt xuất về lịch sử, văn hoá, kiến trúc, mỹ thuật đô thị cả nước, Nhà hát Lớn Hà Nội hiện hữu như một biểu tượng trường tồn của Thủ đô ngàn năm văn hiến, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh.
Thay mặt lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh biểu dương các đơn vị chức năng thuộc Bộ đã tích cực phối hợp với các Sở, Ban, Ngành Thành phố Hà Nội tổ chức nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích quốc gia đối với Nhà hát Lớn Hà Nội, đồng thời đề nghị cần tăng cường công tác quản lý, chăm sóc, giữ gìn, bảo dưỡng, phát huy thật tốt vị thế và vai trò di sản quốc gia của Nhà hát Lớn Hà Nội để phục vụ các nhiệm vụ được giao.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã trao Bằng xếp hạng Di tích quốc gia Di tích Lịch sử và Kiến trúc nghệ thuật Nhà hát Lớn Hà Nội và Quảng trường Cách mạng Tháng Tám cho Ban Quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội.
Cũng tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Ban Quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội. Huân chương Lao động hạng Ba cho ông Hoàng Xuân Nam, Giám đốc Ban Quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội.
Nhân dịp này, 4 tập thể và 11 cá nhân có thành tích xuất sắc cũng vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Nhân dịp này, NXB Hội Nhà văn cho ra mắt cuốn sách “Nhà hát Lớn Hà Nội – Vẻ đẹp tròn thế kỷ (1911-2011)” do nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha chủ biên với sự cố vấn của GS sử học Dương Trung Quốc. Cuốn sách dày 500 trang tổng hợp nhiều bài viết về quá trình hoạt động và những biến động của nhà hát cùng nhiều kỷ niệm xúc động diễn ra tại đây. Trong đó có 100 trang ảnh lưu lại 100 khoảnh khắc về Nhà hát Lớn suốt một thế kỷ qua.
Nằm trên quảng trường Cách mạng tháng Tám, gần hồ Hoàn Kiếm và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Nhà hát Lớn Hà Nội mang phong cách kiến trúc Pháp được xây dựng trong 10 năm (từ 1901- 1911). Thời gian đầu, đây là trung tâm nghệ thuật dành cho giới quan lại thượng lưu người Pháp và một số ít người Việt giàu có. Phải gần 10 năm sau (1921), Nhà hát Lớn Hà Nội mới mang dấu ấn văn hóa Việt khi vở kịch “Chén thuốc độc” của học giả Vũ Đình Long được công diễn tại đây. Từ đó, Nhà hát Lớn đã trở thành nhân chứng lịch sử đặc biệt, biểu tượng văn hóa không thể thiếu của Thủ đô.
Song Nguyên