Thứ Ba, 10 tháng 1, 2012

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì Hội thảo sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp 1992


Ngày 10/12, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban thường vụ Quốc hội) đã tổ chức hội thảo” Hiến pháp năm 1992- Những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trong quá trình sửa đổi, bổ sung.”
Tham dự Hội thảo có nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo cùng đại diện nhiều Ban, ngành, tổ chức .
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì Hội thảo
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì Hội thảo
Chủ trì Hội thảo, TS Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Hội thảo cần  tập trung vào một số vấn đề nghiên cứu thực tiễn đặt ra trong quá trình sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp 1992, không nên đi vào tất cả các khía cạnh.Trong đó, tập trung thảo luận vào 3 nội dung chính: Nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước, chế độ kinh tế và các chế định về văn hóa, giáo dục; khoa học, công nghệ.
Liên quan đến tư tưởng xuyên suốt toàn bộ Hiến pháp là “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” được quy định tại điều 2, GS.TS Trần Ngọc Đường (Văn phòng Quốc hội) nhận định: Đây là một quy định nền tảng chỉ rõ nguồn gốc, bản chất và mục đích của quyền lực nhà nước là thống nhất về nhân dân. Tuy nhiên, điều 6 Hiến pháp 1992 quy định “Nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân” lại cho thấy nội dung mâu thuẫn với điều 2 nói trên. Bởi, nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước không chỉ thông qua các cơ quan đại diện mà còn thông qua các cơ quan nhà nước khác như hành pháp, tư pháp và các hình thức thực hiện quyền lực nhà nước một cách trực tiếp như phúc quyết Hiến pháp, trưng cầu ý dân. Vì vậy, theo GS.TS Trần Ngọc Đường, để đảm bảo tính thống nhất của Hiến pháp phải sửa lại điều 6 để quy định đầy đủ hơn các phương thức nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước.
Ở một khía cạnh khác, TS Vũ Hồng Anh (Viện Nghiên cứu lập pháp) nêu quan điểm: Mặc dù Hiến pháp 1992 đã công nhận quyền lực nhà nước gồm 3 quyền: lập pháp, hành pháp, tư pháp, nhưng vị trí, tính chất của các cơ quan nhà nước: Quốc hội, Chính phủ, Tòa án, Viện kiểm sát không thay đổi so với trước khi nguyên tắc này trở thành nguyên tắc hiến định trong tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước. Ngoài Quốc hội được xác định là cơ quan lập pháp, Hiến pháp không xác định rõ cơ quan nào là cơ quan hành pháp, cơ quan nào là cơ quan tư pháp. Từ đó dẫn đến sự không rõ ràng trong phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền hành pháp, tư pháp.
Về vấn đề này, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cho rằng: Đây là khâu yếu trong Hiến pháp 1992 vì không kiểm soát được quyền lực của nhà nước. Theo nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, trong nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước, nên phân công tương đối cân bằng giữa 3 quyền: lập pháp, hành pháp, tư pháp theo tư tưởng Hồ Chí Minh và chính thể dân chủ cộng hòa mà Hiến pháp 1946 đã xác lập.
Bàn về vấn đề sửa đổi chế độ kinh tế trong Hiến pháp 1992, PGS.TS Đặng Văn Thanh (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế – Ngân sách của Quốc hội) cho rằng: Cần bỏ khái niệm và quy định “thành phần kinh tế” trong Hiến pháp. Bởi trên thực tế đã không có sự phân định rạch ròi giữa các thành phần kinh tế trong một đơn vị, một tổ chức hay một không gian cụ thể. Hơn nữa thuật ngữ “thành phần” khá nặng nề và không còn phù hợp trong bối cảnh và môi trường kinh tế mới.
Về thẩm quyền của Nhà nước trong việc điều hành, điều chỉnh nền kinh tế quốc dân, PGS.TS Đặng Văn Thanh cũng kiến nghị cần có chế định xóa bỏ độc quyền nhà nước trong kinh doanh (phân phối điện, xuất khẩu gạo, xăng dầu…) theo hướng thay đổi về nhận thức chuyển dần từ Chính phủ cai trị sang Chính phủ phục vụ.
Thảo luận về chế định văn hóa, giáo dục trong Hiến pháp 1992, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội) đề xuất phương án lược bỏ Chương III- “Văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ”, theo hướng ghép những quy định phù hợp ở chương này với những quy định về chính thể ở Chương I và về quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân ở Chương V. Theo lý giải của GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, phần lớn quy định của Hiến pháp 1992 về văn hóa, giáo dục ở Chương III hoặc không phải là quy phạm pháp luật hoặc quá chi tiết và mơ hồ, vượt ra ngoài khuôn khổ của một đạo luật cơ bản hay một khế ước xã hội điều chỉnh những mối quan hệ cơ bản nhất như các quy định tại điều 30-33; điều 41,42…
Kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: Đây là một công việc lớn, rất hệ trọng, áp lực thời gian và công việc quá nhiều nên việc tổ chức Hội thảo là rất cần thiết. Những nội dung thảo luận tại Hội thảo này đã có một bước tiến xa, thực chất hơn, đi vào những vấn đề cụ thể so với các Hội thảo trước đây.
Khẳng định Hiến pháp là đạo luật cơ bản của nhà nước, là văn kiện chính trị pháp lý thể hiện bản chất dân chủ tiến bộ của một Nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị trong thời gian tới tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp theo tinh thần Cương lĩnh và các văn kiện Đại hội Đảng, cũng như trên cơ sở tổng kết Hiến pháp 1992 và các luật liên quan để phù hợp với tình hình mới.
Thu Hằng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét